Công chứng viên là nhà chuyên môn về pháp luật có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, được bổ nhiệm để hành nghề công chứng.
Công chứng là hành động công chứng viên chứng nhận tính chất xác thực, hợp pháp của văn bản (hợp đồng, giao dịch) do người yêu cầu công chứng đề nghị hoặc do pháp luật quy định phải công chứng.
Tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên Việt Nam
Luật Công chứng của nhà nước Việt Nam năm 2006 quy định: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm làm công chứng viên:
- Có bằng cử nhân luật;
- Có thời gian công tác pháp luật từ năm năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức (thời gian đào tạo nghề công chứng sáu tháng và tập sự hành nghề công chứng mười hai tháng được tính vào thời gian công tác pháp luật).
- Có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề công chứng;
- Đã qua thời gian tập sự hành nghề công chứng;
- Có sức khoẻ bảo đảm hành nghề công chứng.
Những người sau đây được miễn đào tạo nghề công chứng (người được miễn đào tạo nghề công chứng cũng được miễn tập sự hành nghề công chứng):
- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên; luật sư đã hành nghề từ ba năm trở lên;
- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.